Vụ khủng bố mới nhất tại Dagestan và tình trạng bạo lực gia tăng gần đây đang làm bật lên những thách thức an ninh nghiêm trọng mà Nga phải đối mặt.
Ít nhất 20 người thiệt mạng, trong đó có 15 cảnh sát, khi các tay súng tấn công một giáo đường Do Thái, hai nhà thờ Chính thống giáo và chốt kiểm soát giao thông ở Cộng hòa Dagestan, miền nam Nga, trong vụ khủng bố hôm 23/6.
6 tay súng đã bị tiêu diệt sau chiến dịch chống khủng bố kéo dài nhiều giờ, khiến hai thành phố Makhachkala và Derbent của Dagestan bị phong tỏa hoàn toàn.
Giới chức Nga chưa công bố danh tính các nghi phạm, song một số kênh Telegram ở khu vực xác định hai người trong số họ là con trai của Magomed Omarov, quận trưởng quận Sergokalinsky và là quan chức đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền ở địa phương. Một kẻ tấn công được cho là cháu trai của Omarov. Ông đã bị cách chức và điều tra sau sự việc.
Kênh Telegram Baza có quan hệ với cơ quan thực thi pháp luật cho hay khi bị thẩm vấn, Omarov khai rằng ông biết hai con trai và cháu trai mình đã bị cực đoan hóa và có liên hệ với nhóm khủng bố al-Qaeda, nhưng không liên lạc với họ “vài năm qua” và cũng không thông báo cho giới chức an ninh.
Kênh Telegram Mash nói rằng Osman Omarov, một người con trai của cựu quận trưởng, đã về Nga hồi tháng 4, sau 18 tháng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện chưa rõ Osman làm gì ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng đây là nơi nhiều phần tử cực đoan Nga tìm đến khi liên hệ với các nhóm khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Nga chưa bình luận về những thông tin trên.
Chưa tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm, nhưng Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), trụ sở tại Mỹ, ngày 23/6 nhận định cuộc tấn công có thể được thực hiện bởi chi nhánh Bắc Kavkaz của IS, được biết đến với tên gọi Vilayat Kavkaz.
Một kênh truyền thông có liên hệ với chi nhánh IS trong khu vực đã ra tuyên bố ca ngợi “những người anh em đến từ Kavkaz”, điều khiến các nhà phân tích ISW tin rằng nhóm Vilayat Kavkaz đứng sau vụ khủng bố.
Các cơ quan chống khủng bố Nga đã mở chiến dịch trấn áp các thành viên của Vilayat Kavkaz sau vụ tấn công đẫm máu vào nhà hát Crocus, ngoại ô Moskva, làm 145 người thiệt mạng đêm 22/3, dù hầu hết nghi phạm trong vụ tấn công là người Tajik và không có mối liên hệ nào với Bắc Kavkaz.
Nga năm qua chứng kiến xu hướng bạo lực gia tăng tại nhiều khu vực, làm bật lên những lỗ hổng và thách thức an ninh của nước này, trong bối cảnh Moskva đang phải dồn mọi nguồn lực quốc phòng, an ninh cho chiến dịch quân sự tại Ukraine, giới quan sát đánh giá.
Nhiều sự việc liên quan đến căng thẳng kéo dài giữa Nga với cộng đồng Hồi giáo ở Trung Á. Tuần trước, lực lượng an ninh đã đột kích một trại giam ở thành phố miền nam Rostov-on-Don, tiêu diệt 6 nghi phạm có liên hệ với IS đang bắt hai lính canh tại đây làm con tin. Địa điểm xảy ra loạt vụ tấn công mới nhất là thủ phủ Makhachkala của vùng Dagestan và thành phố Derbent, nơi người Hồi giáo chiếm đa số.
Nikolai Petrov, chuyên gia tại Chương trình Nga và Á-Âu thuộc Viện nghiên cứu Chatham House, Anh, nhận định vụ khủng bố mới nhất cho thấy các cơ quan an ninh Nga “vẫn chưa rút ra được bài học” sau thảm kịch ở nhà hát Crocus.
Số lượng cảnh sát thiệt mạng cho thấy họ đã bị nhóm khủng bố chủ ý nhắm mục tiêu hoặc gặp phải kháng cự quyết liệt khi cố gắng kiểm soát tình hình. Theo giới quan sát, chiến dịch quân sự ở Ukraine, với việc nhiều cảnh sát bị điều ra mặt trận, dường như đã khiến mạng lưới an ninh Nga bị suy giảm trên toàn quốc. Điều này đặc biệt nghiêm trọng ở Dagestan, nơi một số cuộc biểu tình đã nổ ra trong những tháng đầu của cuộc xung đột nhằm phản đối chiến sự.
Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đã trở thành vấn đề nhức nhối với Nga sau hai cuộc xung đột tại Chechnya trước đây. Các tay súng ly khai Chechnya ngày càng trở nên cực đoan khi đối mặt chiến dịch trấn áp của Moskva vào đầu những năm 2000. Kể từ đó, tình thế đối địch giữa hai bên tiếp tục trở nên gay gắt hơn khi phe cực đoan không ngừng vượt qua các giới hạn và gặp phải phản ứng quyết liệt từ lực lượng an ninh Nga.
Chính phủ Nga từ lâu đã tìm cách căng thẳng sắc tộc và tôn giáo vốn đã bén rễ từ lâu ở Bắc Kavkaz, nhưng vụ khủng bố ở Dagestan cho thấy nỗ lực này chưa thực sự thành công. Thách thức hiện nay còn phức tạp hơn, khi cuộc chiến kéo dài ở Ukraine đang gây khó khăn cho hoạt động của bộ máy an ninh Nga.
“Khu vực này có rất nhiều nhân viên an ninh, nhưng họ khó kiểm soát toàn diện tình hình hiện tại vì đang phải tập trung nguồn lực cho xung đột ở Ukraine”, Tanya Lokshina, phó giám đốc phụ trách khu vực châu Âu và Trung Á thuộc Tổ chức Giám sát Nhân quyền, trụ sở tại New York, cho hay. Bà gọi vụ khủng bố hôm 23/6 là “thất bại của cơ quan tình báo Nga” trong việc nắm bắt, ngăn chặn âm mưu tấn công của các nhóm cực đoan.
Andrei Soldatov, nhà phân tích an ninh người Nga, chuyên gia về Bắc Kavkaz, cho biết vụ khủng bố này có một số đặc điểm tương tự làn sóng bạo lực đầu những năm 2000, khi các tay súng đồng loạt tấn công chốt kiểm soát của cảnh sát rồi tháo chạy. Nhưng chúng cũng có một số yếu tố mới, như mối liên quan tới quan chức địa phương, khiến cơ quan tình báo thất bại trong việc phát hiện âm mưu tấn công.
Cộng hòa Dagestan có khoảng 3,2 triệu dân với hàng chục nhóm tôn giáo. Các nhóm lớn nhất chủ yếu là người Hồi giáo, nhưng khu vực này cũng là nơi sinh sống của người Kitô giáo cũng như một cộng đồng Do Thái nhỏ.
Trong những giai đoạn bạo lực trước đây ở Bắc Kavkaz, lực lượng an ninh bị tấn công gần như hàng ngày và những kẻ khủng bố Hồi giáo nhắm mục tiêu cả vào các cuộc tụ tập đông người ở những nơi xa như thủ đô Moskva hay St. Petersburg, cách Dagestan hơn 1.000 km.
Aleksandr Baunov, nhà phân tích chính trị tại Trung tâm Á-Âu Carnegie Nga, tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Berlin, Đức, cho rằng những khu vực đa sắc tộc, tôn giáo như Dagestan “luôn ẩn chứa các yếu tố không ngờ tới đối với giới chức”, có thể khiến chính quyền địa phương không kiểm soát được tình hình.
Chính quyền Nga trong khi đó đang đổ lỗi cho phương Tây liên quan đến vụ khủng bố mới nhất.
Leonid Slutsky, lãnh đạo ủy ban Duma Quốc gia về các vấn đề quốc tế, viết trên ứng dụng Telegram rằng các cuộc tấn công đều “được truyền cảm hứng từ bên ngoài với mục đích gieo rắc hoảng loạn và chia rẽ người dân Nga”. Ông cáo buộc Mỹ và đồng minh châu Âu thực hiện hành vi khủng bố do nhà nước bảo trợ, song không đưa ra bằng chứng.
Valentina Matvienko, chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga, cáo buộc “kẻ thù đang tìm mọi cách để làm nổ tung xã hội Nga từ bên trong”.
Tuy nhiên, thượng nghị sĩ Dmitry Rogozin, cựu giám đốc Tập đoàn Vũ trụ Nhà nước Nga Roscosmos, cảnh báo không nên đổ lỗi cho Ukraine và phương Tây về các vụ tấn công ở Dagestan, bởi điều đó có thể ngăn Moskva xử lý tận gốc rễ vấn đề.
“Nếu chúng ta quy mọi cuộc tấn công khủng bố liên quan đến thù ghét dân tộc và tôn giáo hay tâm lý bài Nga là do âm mưu của Ukraine và NATO, màn sương mù màu hồng này sẽ dẫn chúng ta đến những vấn đề lớn hơn”, ông nhấn mạnh.
Tương tự, một nhà phân tích giấu tên ở Bắc Kavkaz cho rằng Nga nên tìm kiếm nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng cực đoan hóa trong giới trẻ ở Daghestan. “Họ cần tìm ra điều gì thúc đẩy các vụ khủng bố, thay vì cố gắng đổ lỗi cho ‘ảnh hưởng của Ukraine hoặc phương Tây'”, ông nói.