Sáng 26/6, Quốc hội thông qua nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, trong đó có lập khu thương mại tự do.
Điều 13 của Nghị quyết nêu TP Đà Nẵng được thành lập Khu thương mại tự do gắn với Cảng biển Liên Chiểu để thí điểm cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.
Khu thương mại tự do Đà Nẵng gồm khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại – dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định. Các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và hoạt động quản lý nhà nước theo lĩnh vực tương ứng.
Quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng với khu vực bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam về hải quan, thuế và xuất khẩu, nhập khẩu.
Dự án Cảng Liên Chiểu có diện tích 450 ha, gồm 8 bến container tiếp nhận tàu 30.000-200.000 DWT; 6 bến tổng hợp tiếp nhận tàu 30.000-100.000 DWT; 1.200m bến thủy nội địa và 6 bến hàng lỏng, khí; công suất khai thác đạt 50 triệu tấn mỗi năm vào năm 2050. Tổng mức đầu tư là hơn 3.400 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 khoảng 3.000 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách địa phương.
Dự án khởi công cuối năm 2022, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025. Khi Cảng Liên Chiểu đi vào khai thác sẽ giảm tải cho Cảng Tiên Sa hiện hữu (dự kiến chuyển đổi chuyên phục vụ tàu du lịch), đồng thời giảm áp lực vận tải trong nội đô.
Trả lời VnExpress trước đó, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường nói Đà Nẵng có những lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng để xây khu thương mại tự do. Thành phố nằm trong số rất ít địa phương có cả cảng biển quốc tế và cảng hàng không quốc tế. Cảng biển của Đà Nẵng đều có vai trò trọng điểm trong khu vực miền Trung.
Khu phi thuế quan tại đây có thể sẽ hình thành các cửa hàng outlet, là nơi bán những hàng hóa của thương hiệu nổi tiếng với giá thành rất cạnh tranh do được ưu đãi về thuế. Những cửa hàng này rất phù hợp với nhu cầu mua sắm của khách du lịch, người nước ngoài đến Việt Nam và cả người dân trong nước.
Thủ tướng sẽ quyết định thành lập, điều chỉnh, mở rộng ranh giới Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế tại Khu thương mại tự do Đà Nẵng không phải có dự án đầu tư và không phải thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập tổ chức kinh tế.
Doanh nghiệp có dự án đầu tư trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng được hưởng chế độ ưu tiên về hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tại địa bàn thành phố, trừ điều kiện về kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu.
Việc áp dụng thuế đối với hàng hóa, dịch vụ được mua bán, cung ứng trong các khu chức năng; giữa nội địa và nước ngoài với các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng được áp dụng như khu phi thuế quan trong khu kinh tế.
Quốc hội giao Chính phủ ban hành văn bản quy định nội dung chưa được quy định để giải quyết những bất cập phát sinh trong quản lý, phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Trường hợp vượt thẩm quyền, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết đây là chính sách mới, chưa được thực hiện tại Việt Nam, nên sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Thời gian thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù mới cho Đà Nẵng là 5 năm.