Các nhà kinh tế học từng giành giải Nobel cảnh báo kinh tế Mỹ và toàn cầu sẽ chịu hậu quả nếu Donald Trump tái đắc cử cuối năm nay.
Trong bức thư công bố hôm 25/6, các chuyên gia cho rằng kế hoạch kinh tế của Trump sẽ châm ngòi cho lạm phát. Cựu Tổng thống Mỹ cam kết nâng thuế nhập khẩu lên cao hơn nữa với hàng Trung Quốc. Các nhà kinh tế học cho rằng chính sách này sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ chịu thiệt.
“Dù chúng tôi có quan điểm khác nhau về từng chính sách kinh tế, tất cả đều đồng ý rằng chương trình nghị sự của Tổng thống Joe Biden vượt trội so với Donald Trump. Chúng tôi tin rằng nhiệm kỳ 2 của Trump sẽ có tác động tiêu cực đến vị thế của Mỹ trên thế giới, khi gây bất ổn cho nền kinh tế nội địa”, họ viết trong thư.
Bức thư được ký tên bởi nhiều nhà kinh tế nổi tiếng, từ Joseph Stiglitz (người giành giải Nobel năm 2001) đến Angus Deaton – được trao giải Nobel năm 2015. Ông Joe Biden và cựu Donald Trump là hai đại diện của đảng Dân chủ và Cộng hòa tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ cuối năm nay.
Theo các cuộc thăm dò, dù lạm phát Mỹ đã chậm lại trong 2 năm qua, nhiều người tiêu dùng vẫn không hài lòng khi phải trả giá cao cho thực phẩm, khí đốt và nhiều hàng hóa khác. Việc Trump muốn tăng thuế nhập khẩu, đặc biệt với hàng Trung Quốc, sẽ khiến người tiêu dùng càng chật vật.
“Rất nhiều người Mỹ lo lắng về lạm phát. Rủi ro Trump khiến lạm phát tăng tốc trở lại là có cơ sở, dựa trên kế hoạch ngân sách thiếu trách nhiệm của ông ta”, bức thư viết.
Kinh tế Mỹ sẽ là chủ đề trọng tâm trong cuộc tranh luận đầu tiên giữa ông Biden và Trump hôm 27/6. Đến nay, Trump vẫn đổ lỗi cho Biden gây ra lạm phát. Biden cũng khẳng định chính sách thương mại của cựu Tổng thống Mỹ, đặc biệt là thuế nhập khẩu, sẽ khiến giá cả càng tăng tốc.
Trước các cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 và 2020, các nhà kinh tế học tại Mỹ đều viết thư phản đối Trump đắc cử. Năm 2016, lý do họ đưa ra là Trump “kém hiểu biết về kinh tế và không có khả năng lắng nghe các chuyên gia đáng tin cậy”.
Còn năm 2020, họ cho rằng Trump đã “biến Mỹ thành quốc gia không thể nhận ra”, “tấn công” nền dân chủ, phản ứng lóng ngóng trước đại dịch và lan truyền “thông tin sai sự thật nguy hiểm”.